Nhiễm sán là căn bệnh thường gặp khiến cơ thể suy yếu. Vậy đâu là dấu hiệu nhiễm sán? Hãy cùng đọc bài viết để phát hiện và chữa trị kịp thời nhé!
Thói quen ăn đồ tái hay thức ăn chưa rửa kỹ, chưa nấu chín kỹ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng nhiễm sán (hay còn gọi là bệnh giun sán, bệnh nhiễm giun sán). Khi đi vào cơ thể người, sán có thể tồn tại ở dạng ký sinh trùng hoặc sán trưởng thành. Dưới đây là 9 dấu hiệu nhiễm sán cần chú ý.
1. Đau bụng
Nếu bạn thấy đau nhói ở vùng bụng và kéo dài, rất có thể bạn đã bị nhiễm ký sinh trùng. Lúc này bạn cần đến bệnh viện để xét nghiệm phân hoặc máu để bác sĩ tìm ra đúng nguyên nhân đau bụng của bạn có phải do sán hay không?
2. Trong phân có sán
Một trong những dấu hiệu nhiễm sán dễ nhận biết nhất, đó là khi đi ngoài có lẫn sán trong phân. Ngoài ra, bạn có thể thấy sán chuyển động ở vùng hậu môn, hoặc các đốt sán tự rơi ra ngoài.
3. Sụt cân, mệt mỏi
Nếu bạn sụt cân, mệt mỏi không rõ lý do thì có thể đây cũng là một dấu hiệu nhiễm sán cần chú ý. Bởi khi sán tồn tại và phất triển trong cơ thể, chúng ăn các chất dinh dưỡng khiến cơ thể bị thiếu chất, gây sụt cân, mệt mỏi. Vì vậy khi sụt cân không rõ nguyên do, bạn nên đi khám để có cách xử lý kịp thời.
4. Cơ thể thiếu vitamin
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn bị thiếu máu hoặc vitamin B12 thì có thể cơ thể bạn đã bị nhiễm sán dây hoặc ký sinh trùng.
5. Co giật
Khi sán dây di chuyển lên não, một trong những triệu chứng điển hình nhất là co giật. Bên cạnh đó còn có thể đi kèm với tình trạng đau đầu, chóng mặt
6. Tăng lượng bạch cầu
Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp hiệu quả để chẩn đoán bạn có bị nhiễm sán hay không. Nếu xét nghiệm thấy bạch cầu ái toan (là loại bạch cầu tấn công ký sinh trùng trong cơ thể) tăng lên so với bình thường thì rất có thể bạn đã bị nhiễm ký sinh trùng.
7. Buồn nôn, ăn không ngon miệng
Sán dây gây kích thích đường ruột, là một trong những nguyên nhân gây tình trạng buồn nôn và mất cảm giác ngon miệng khi ăn. Trong một số trường hợp, sán dây còn có thể gây tiêu chảy .
8. Tổn thương gan
Khi sán dây xâm nhập vào gan sẽ phát triển và hình thành nên các nang sán. Các nang sán này sẽ làm giảm lượng máu cung cấp cho gan, từ đó làm tổn thương gan và ảnh hưởng đến chức năng của gan. Vì vậy tổn thương gan cũng có thể là dấu hiệu nhiễm sán bạn không nên bỏ qua.
9. Tắc ruột
Khi ký sinh trùng phát triển thành sán dây trưởng thành với số lượng lớn sẽ chiếm chỗ trong hệ têu hóa gây tắc ruột. Bên cạnh đó, sán có thể làm tắc ống mật và ống tụy gây tình trạng vàng da và việm tụy.
Các dấu hiệu nhiễm sán ở trên cũng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác. Vì vậy để biết chính xác mình có bị nhiễm sán hay không, khi mắc một trong các dấu hiệu trên, bạn nên đến bệnh viện và thực hiện xét nghiệm. Từ đó có cách xử trí kịp thời để tránh tình trạng sán phát triển di chuyển lên não gây nguy hiểm đến tính mạng.