Dị ứng thực phẩm là bệnh không quá nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh. Cùng tìm hiểu dấu hiệu và cách phòng tránh dị ứng thực phẩm nhé!
Dị ứng thực phẩm là gì?
Dị ứng thực phẩm là tình trạng cơ thể miễn dịch với một loại protein nào đó có trong thức ăn. Protein này khi đi vào trong máu, kết hợp với một loại kháng thể có sẵn trong tế bào bạch cầu, làm vỡ tế bào bạch cầu, phóng thích ra các hoạt chất histamin gây ra tình trạng dị ứng. Dị ứng có thể gặp ở mọi đối tượng, thường gặp nhất là những người có cơ địa dị ứng như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản…
Các nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng
Có thể nói hầu hết các loại thực phẩm đều có thể gây dị ứng. Tùy vào sức miễn dịch, độ tuổi… mà có nguy cơ dị ứng khác nhau.
- Với người lớn, các thực phẩm dễ gây dị ứng như cá nóc, tôm cua, sò, lạc, trứng.
- Với trẻ nhỏ, sữa, trứng, đậu nành, lúa mì… lại là những thực phẩm dễ gây dị ứng.
Dị ứng không chỉ xảy ra ở một loại thực phẩm nhất định mà còn kéo theo dị ứng chéo ở những thực phẩm có thành phần giống nhau. Chẳng hạn nếu đã dị ứng tôm thì sẽ dị ứng với tất cả các thực phẩm khác có thành phần tôm, dị ứng sữa sẽ dị ứng với các sản phẩm chế xuất từ sữa…
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng như di truyền (nếu cả cha và mẹ cùng bị dị ứng thì khả năng con cũng bị dị ứng từ 50-60%), cơ thể nhiễm bệnh, sức đề kháng kém…
Các biểu hiện khi dị ứng thực phẩm
Tình trạng dị ứng thực phẩm có thể xảy ra sau khi ăn vài phút hoặc vài giờ. Có người cơ địa nhạy cảm chỉ cần chạm hoặc hít thức ăn là đã bị dị ứng, có người lại xảy ra chậm, có thể vài ngày sau mới bị. Khi bị dị ứng thực phẩm thì sẽ có những biểu hiện như:
- Nổi mề đay, mẩn đỏ từng mảng gây ngứa ngáy ở các vùng da trên cơ thể, như tay, chân lưng, bụng, môi, miệng…
- Chảy nước mũi, hắt hơi, có thể có biểu hiện khò khè, khó thở.
- Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy…
Trường hợp nhẹ chỉ cần nghỉ ngơi sau vài tiếng sẽ tự khỏi. Một số trường hợp nặng do phản ứng phản vệ có thể dẫn đến tử vong. Tử vong xảy ra do một hoặc nhiều biến cố kết hợp như phù thanh quản nặng, co thắt phế quản không hồi phục, hạ huyết áp khó hồi phục.
Cách phòng tránh dị ứng thực phẩm
Để phòng tránh tình trạng dị ứng thực phẩm, mọi người nên thực hiện tốt các biện pháp sau đây:
- Hiểu rõ về các thực phẩm gây dị ứng cũng như các biểu hiện khi bị dị ứng
- Hạn chế hoặc không ăn các loại thực phẩm bị dị ứng hoặc các thực phẩm chứa thành phần gây dị ứng.
- Với những người cơ địa dễ bị dị ứng, nên dự phòng sẵn các loại thuốc chữa dị ứng thực phẩm trong nhà để kịp thời sử dụng khi cần.
Tình trạng dị ứng không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi khi nghỉ ngơi hoặc uống thuốc. Tuy nhiên khi nhận thấy các biểu hiện dị ứng trở nên nặng hơn, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời, tránh tình trạng biến cố do phản ứng phản vệ xảy ra.